Phụ nữ đôi khi tâm trạng sáng nắng chiều mưa, hôm trước cười nói vui vẻ như trẩy hội, hôm sau đã mặt nặng mày nhẹ than vãn buồn bực để giải tỏa nỗi bức xúc. Nguyên nhân vì đâu?
Buồn bực và bức xúc là những cụm “tính từ” mô tả cảm xúc mà ắt hẳn không ai tránh khỏi, cả nam lẫn nữ. Tất phải có nguyên nhân nào đó thì con người ta mới biến đổi từ tâm trạng vui sang tâm trạng buồn. Người xưa cũng có câu không có lửa làm sao có khói, và đương nhiên không có chiến tranh thì ắt sẽ không có máu lửa.
.
Niềm tin cũng giống như một cục tẩy vậy
Có rất nhiều nguyên nhân làm chuyển biến cảm xúc từ tích cực sang tiêu cực, chúng ta thử phân thích một số nguyên nhân dưới đây nhé:
1. Không được người chúng ta kì vọng đánh giá đúng thực lực:
Nếu có người yêu thương chúng ta, ắt cũng sẽ có người không hài lòng về chúng ta ở điểm này, điểm kia, thậm chí bị ghét bỏ hay xem thường. Thiên hạ thì không tránh khỏi mỗi người một ý nhưng thật buồn nếu người ta tin tưởng và chia sẻ nhiều nhất lại không thật sự hiểu được ta. Bởi vì sao? Chẳng phải ai trong số chúng ta cũng cần những lời động viên kịp thời khi đang ngập lụt với nhiều thứ áp lực khác nhau từ công việc, cuộc sống đến các mối quan hệ. Khi thực lực của chúng ta bị đánh giá thấp hoặc không được nhìn nhận đúng chính là mấu chốt gây ra tâm trạng buồn và bức xúc. Ai hiểu sai về chúng ta sao cũng được, nhưng người ấy thì không. Ai đó có thể không đứng về phía chúng ta cũng được, nhưng người ấy thì không!
Trong công việc và đời sống hằng ngày, chắc hẳn bạn đã từng cảm thấy bộ não bị căng phồng ra, mỏi mệt kiểu không thể suy nghĩ được cái gì khác hơn ngoài việc làm sao để cho xong nốt việc này, việc kia?
2. Phải lắng nghe những lời nhận xét vô nghĩa từ những người “ra vẻ”:
Nếu như không được người chúng ta kì vọng đánh giá đúng thực lực khiến chúng ta buồn phiền thì việc phải lắng nghe những lời nhận xét vô nghĩa từ những người “ra vẻ” cũng khiến chúng ta cảm thấy phiền phức. Có một số người thích thể hiện, và biểu hiện của họ là thường văn vẻ sách vở, “ra vẻ” một người có nhiều kiến thức uyên bác và am hiểu rộng mọi vấn đề trong công việc và ngoài xã hội. Chính cái tôi của họ quá lớn, hoặc họ quá thiếu tự tin khiến nhu cầu chứng tỏ bản thân hơi thái quá. Những người giỏi thực sự thường khiêm tốn với kĩ năng lắng nghe và quan sát. Họ cũng sẽ biết các phương pháp nâng cao năng lực của những người xung quanh, vừa diễn đạt điều họ muốn nói, vừa khiến mọi người tâm phục khẩu phục. “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, tự cao một chút cũng là nhiều“. Bạn có thể “ra vẻ” với những người thiếu hiểu biết và non nớt, nhưng sự “ra vẻ” của bạn sẽ trở thành cái “gai” trong mắt những người có thực lực. Một số sẽ phản ứng, một số không nhưng chắc chắn những lời “ra vẻ” của bạn sẽ không có chỗ đứng giá trị trong bộ não của họ.
3. Khi bị những người không hiểu chuyện cố tình hiểu sai vấn đề:
Thực tế có những người cố tình hiểu sai vấn đề, cố tình đẩy sự việc đi xa khỏi tầm kiểm soát, cũng như cố tình làm phức tạp hóa mọi thứ nhằm đạt mục đích nào đó thì chỉ chính họ mới biết. Khi ấy, những nạn nhân bị hiểu sai hẳn sẽ rất bức xúc. Có những sự việc mà chỉ người chúng ta tin tưởng và yêu quý chúng ta hiểu đúng chúng ta thôi chưa đủ. Những lời đồn thổi ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của không chỉ riêng chúng ta, mà còn những người thân yêu của chúng ta nữa. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tâm trạng buồn bực và bức xúc của hầu hết tất cả mọi người.
4. Stress & những áp lực không tên
Một khía cạnh khác đó chính là stress: cảm thấy cực kì áp lực vì bản thân khó lòng kiểm soát tất cả mọi thứ trong cùng một lúc. Khối lượng công việc và nhiều thứ không tên cứ thế dồn dập tạo nên một thứ cảm xúc quá đỗi phức tạp để có thể diễn tả thành lời! Ngoài ra, stress còn là do chúng ta tự đặt ra những giới hạn quá cao so với khả năng. Stress cũng gây ra từ sự so bì, tị nạnh với những người có cuộc sống tốt hơn. Những so sánh kiểu tại sao tôi giỏi hơn, làm việc nhiều hơn, trình độ cao hơn nhưng thu nhập ít hơn… Hay tại sao lúc nào trông người ta cũng thảnh thơi mà tiền thì lại rủnh rỉnh hơn… kiểu vậy!
Lời khuyên để tránh xa những cảm xúc tiêu cực:
Tất nhiên bực bội với ai hay với cái gì thì cũng chỉ là việc tự làm khổ bản thân. Nếu các bạn xả được với ai thì tốt quá: ví dụ tâm sự câu chuyện của bản thân với một ai đó chịu lắng nghe và biết giữ kín bí mật hộ bạn. Khi cơn giận được trút ra, bạn sẽ được giải tỏa phần nào, biết đâu bạn lại còn nhận được những lời khuyên hữu ích khác từ người bạn tin tưởng tâm sự. Cơn nóng giận hay bức xúc chỉ là một cảm giác mang tính thời điểm và chúng sẽ chóng phôi phai cùng thời gian. Để tránh những cuộc cãi vã hoặc chịu đựng dài hơi, tốt nhất chúng ta nên hạn chế đề cập và thảo luận những vấn đề có tiềm năng gây ra một cuộc tranh cãi lớn. Và nếu điều xấu nhất có xảy ra thì bạn hãy cố giữ một cái đầu lạnh nhất có thể, không thì đứng dậy đi ra một chỗ khác.
Khi tôi hay bạn cảm thấy bức xúc hoặc buồn bực về một ai đó hay về một điều gì đó, nó khiến chúng ta thật khó chịu và khó ở. Cảm giác như bản thân không còn là bản thân nữa. Lúc ấy mọi hành động hay lời nói sẽ có phần hơi quá thái và mất kiểm soát trong giây lát. Nhưng biết sao giờ, tất cả chỉ là bản năng!
—