Dự giờ như trình diễn !

Dự giờ được báo trước, học sinh được ‘nhắc bài’, sắp xếp ‘đội hình’ ai phát biểu trước và nói thế nào… đang khiến tiết dạy đánh giá giáo viên trở thành hình thức của một vở kịch.

Để tiết dạy diễn ra suôn sẻ thì GV phải chuẩn bị từ việc lựa chọn đề tài cho đến “dàn xếp” các câu hỏi, người trả lời.

Cô T.Q.T, GV mầm non tại Q.5, TP.HCM, cho hay: “Trước khi đăng ký đề tài, bài giảng đương nhiên là phải khảo sát, nếu trên 50% số trẻ nắm bắt được nội dung thì mới lựa chọn. Và trong quá trình khảo sát học sinh (HS) cần phải lưu ý trò nào ổn nhất để gọi phát biểu khi thao giảng”. Tuy nhiên, theo GV trên, cách làm này khá mất thời gian và dễ “bể sô” nên “tốt nhất là dạy trước, chọn từ 3 – 5 HS nhanh nhẹn, dặn dò khi cô hỏi thế này thì bạn A trả lời, khi cô nói cô cần cái gì thì bạn B chạy đi lấy cho cô, ai sẽ chạy lên dán hình cho cô… Đến khi vào tiết, những HS còn lại chỉ việc ngồi trật tự, chăm chú lắng nghe”.

Vì vậy có phụ huynh bức xúc phản ánh: “Có hôm, GV điện thoại dặn tôi ngày mai chị cho bé ở nhà. Ngày mai là tiết dự giờ của cô mà bé hay mất tập trung và không chịu nghe lời cô. Chỉ sợ cô đang lên tiết mà con chạy lung tung, ảnh hưởng đến cô”. Dù hiểu và thông cảm cho GV nhưng vị phụ huynh này nói: “Tôi không tránh khỏi cảm giác sốc. Dự giờ là lúc mà cô thể hiện năng lực nhưng cô lại làm vậy, thì từ trước đến nay cô đã dạy được gì cho trẻ và hằng ngày cháu học ở trường như thế nào?”.

Còn một HS lớp 6 tại TP.HCM cho hay, dù được cô hiệu phó dạy môn ngữ văn nhưng trước ngày có tiết dự giờ “cô nhắc em học thuộc phần tác giả của tác phẩm đó, ngày mai khi dự giờ, nhớ giơ tay để cô gọi phát biểu cho trôi chảy”.

Không bất ngờ với tình huống này, tiến sĩ Vũ Thu Hương, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kể: “Tôi đã từng dự một tiết dạy và khi hỏi thì HS nói rằng cô đã giảng bài này rồi và dặn học sẵn cái này cái kia. Thậm chí hoạt động nhóm, HS còn chuẩn bị trước cả đáp án trả lời viết lên bảng rất đẹp. Chỉ làm bộ là hoạt động nhóm sau đó là giơ bảng chuẩn bị câu trả lời sẵn lên”.

Từ đó, tiến sĩ Hương nói rằng, dự giờ là lúc GV trình diễn, HS được chỉ định trước sẽ trả lời các câu hỏi mà nhiều khi học thuộc câu trả lời rồi đọc ra, chứ không phải để kiểm tra hay gợi ý suy nghĩ.

Tương tự, ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nhìn nhận hoạt động dự giờ có mang tính đối phó.

Tiêu chí xếp loại giáo viên

Dù bị đánh giá và cũng nhìn nhận việc dự giờ là trình diễn, hình thức đồng thời bản thân GV cũng cho rằng áp lực và quá mệt mỏi khi phải thực hiện những vở diễn này nhưng theo lý giải của cô T.Q.T, sở dĩ phải làm vậy vì kết quả của những tiết dự giờ này ảnh hưởng đến xếp loại GV, công chức, việc bồi dưỡng thường xuyên.

Còn ông Phạm Phương Bình cho biết, theo quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, mỗi năm học nhà trường phải thực hiện hiệu quả các hoạt động dự giờ, hội giảng, thao giảng… Trong đó, mỗi GV phải thực hiện ít nhất 2 bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin, 4 tiết dạy hội giảng và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp. Theo ông Bình, hiện nay hầu hết các trường học lấy tiết dự giờ làm tiêu chuẩn tham khảo để đánh giá GV.

Hình thức và không có giá trị sư phạm.

Theo các chuyên gia giáo dục, dự giờ, thao giảng là hoạt động nhằm kiểm tra đánh giá GV, HS. Và khi gắn với xếp loại, đánh giá thì sẽ biến những tiết dự giờ nặng về hình thức, không phản ánh đúng thực tế.
Ngoài ra, theo bà Hương, khi HS học đi học lại thì tiết học đó hoàn toàn không có giá trị. Đáng lo ngại hơn, HS sẽ học theo việc trình diễn đối phó, từ đó manh nha tính cách dối trá, thiếu thực chất, nặng hình thức trong học tập.

Chưa kể, trong sư phạm, nếu giáo dục bắt đầu từ điểm sai để đi đến điểm đúng thì sẽ khiến bài học hấp dẫn và dễ ghi nhớ hơn. Tuy nhiên, trong các tiết giảng mẫu hoặc có người dự giờ, mọi điều đều được khẳng định một cách rất chính xác. HS sẽ hiểu rằng đã phát biểu là phải đúng, phải chính xác. Như vậy sẽ khiến trẻ cảm thấy ngượng ngùng khi phát biểu vì tâm lý sợ sai, ngày càng mất dần sự tự tin cần thiết.

Cần thay đổi cách đánh giá giáo viên

Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng hơn bao giờ hết cần có sự thay đổi trong cách đánh giá GV. Cụ thể, bà Hương đề xuất phương án, những thanh tra giáo dục sẽ kiểm tra trình độ của một số HS bất kỳ trong lớp, so sánh với kết quả học tập lưu trong sổ học bạ từ các năm trước hoặc học kỳ trước. Rồi dựa vào đó, các thanh tra có thể nhận định để có cái nhìn bao quát, đánh giá GV trực tiếp giảng dạy.

Ngoài ra, theo bà Hương các thanh tra cũng có thể đánh giá GV dựa trên các phiếu điều tra HS về mức độ yêu thích môn học, mức độ hứng thú, cảm giác của HS khi dự các tiết học của GV… Như vậy, người thực hiện công việc này hoàn toàn có thể đánh giá GV chính xác và công tâm hơn.