Kẹt xe trầm trọng ở Việt Nam: Do ôtô hay xe máy?

Bao giờ thì người đi xe máy và ôtô mới ngừng đổ lỗi cho nhau?

Nhiều năm trước, việc có cho mình một chiếc xe gắn máy chính hãng Nhật, Thái là một điều mơ ước với nhiều người, thì những chiếc xe Trung Quốc đã tạm an ủi giấc mơ của họ, đồng thời giải quyết nhu cầu tự túc đi lại của người dân với một chi phí rẻ hơn nhiều. 

Song song với điều này, xe buýt thì èo uột, các tuyến đường sắt đô thị được xây dựng một cách muộn màng, chậm chạp đã làm cho hệ thống giao thông công cộng hoàn toàn thất thế trước những chiếc xe gắn máy. 

Hệ lụy của việc này thì ngày nay chúng ta đã thấy rõ: hàng nghìn người đi xe gắn máy chen chúc, len lỏi một cách khổ sở và bực dọc mỗi ngày ở các đô thị lớn của nước ta. Những người đi xe máy này hằn học trong khói bụi: kẹt xe là do ôtô chiếm chỗ, choán hết phần đường đi của họ.

Cùng với tốc độ phát triển kinh tế, thu nhập của một nhóm người dân đã tăng lên. Kéo theo điều này là sự hưởng thụ cũng tăng theo. Đơn cử là nhu cầu về xe cộ cũng đã tiến lên từ xe máy đến ôtô.

Hiện nay, những gia đình trung lưu trẻ ở TP Hà Nội, TP HCM muốn mua ôtô cũng không phải là một việc quá khó khăn. Thực tế là nhiều bạn bè của tôi đã rất sung sướng khi mua được ôtô có giá trên dưới 500 triệu đồng để thỏa mãn nhu cầu đi lại của gia đình. 

Tuy nhiên niềm vui đó cứ vơi dần sau mỗi lần họ cùng với những người đi ôtô khác nối đuôi cùng chôn chân một chỗ trên đường phố. Lúc này, ngồi trong máy lạnh họ hằn học: xe máy nhiều quá, cấm xe máy mới hết tắc đường.

Việc có cho mình một chiếc xe máy hay ôtô để đi lại âu cũng là một nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên tôi lo ngại rằng trong khi hệ thống đường xá đô thị ở ta hầu như không theo kịp sự phát triển của phương tiện cá nhân thì đến bao giờ họ mới ngừng đổ lỗi cho nhau?   

(XEM THÊM: Chuyển nhà trọn gói Đà Nẵng / Taxi tải tại Đà Nẵng / Chuyển nhà trọ trọn gói Đà Nẵng / Chuyển văn phòng trọn gói Đà Nẵng )